Bảo lưu quyền sở hữu - Những vấn đề pháp lý và thực tiễn

1. Quy định của pháp luật về bảo lưu quyền sở hữu

"Bảo lưu quyền sở hữu" là một khái niệm mà chúng tôi dám chắc, đa phần người dân chúng ta vẫn còn thấy lạ lẫm, không biết pháp luật có quy định đó, chứ chưa nói đến chuyện hiểu rõ quy định hay áp dụng quy định này vào các giao dịch trong thực tiễn.
Thực ra, đây không hoàn toàn là một vấn đề mới, bởi trước khi có Bộ Luật dân sự năm 2015 thì vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong Bộ Luật dân sự năm 2005 rồi. Tuy nhiên, tại thời điểm áp dụng Bộ luật dân sự 2005, thì vấn đề về bảo lưu quyền sở hữu không được nêu rõ ràng mà chỉ được thể hiện thông qua quy định về mua hàng trả chậm, trả dần (Điều 461 Bộ luật dân sự 2005). Chỉ khi Bộ Luật dân sự 2015 ra đời thì Bảo lưu quyền sở hữu mới được ghi nhận tại Điều 292 với tư cách là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Còn tại khoản 1 Điều 331 Bộ luật dân sự 2015 thì quy định: "Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ". Dưới góc độ pháp lý, chúng ta cần nhìn nhận quy định này như sau:
Ở góc độ quyền sở hữu đối với tài sản, thì với quy định này, chúng ta cần hiểu, trong giao dịch mua và bán, thông thường sẽ là "mua đứt bán đoạn", "tiền trao...thì cháo múc" nhưng ở đây, mặc dù bên bán đã giao tài sản cho bên mua nắm giữ nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán. Cho đến khi nào đạt được điều kiện đủ là bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán mới chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua. Nếu bên mua không thực hiện việc thanh toán hoặc có thanh toán nhưng không đầy đủ theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Việc này mag ý nghĩa đảm bảo bên mua phải có trách nhiệm thanh toán tiền cho bên bán khi đến hạn. Còn bên bán được đảm bảo quyền lợi được thanh toán đầy đủ giá trị tài sản khi giao tài sản cho bên mua. 
Rõ ràng, với quy định này chúng ta có thể thấy, nếu như ở các biện pháp bảo đảm khác như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, kỹ quỹ, ký cược thì bên giao tài sản (bên bảo đảm) là bên có nghĩa vụ, còn trong biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận tài sản lại là bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
Về cơ sở và hình thức xác lập, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu phải được các bên thỏa thuận và thỏa thuận đó phải được ghi nhận dưới dạng văn bản. Đó có thể là một văn bản riêng hoặc ghi nhận thành một điều khoản nào đó trong hợp đồng cũng đều được. 
Đối với việc mua bán hàng hóa mà trả chậm, trả dần thì việc bảo lưu quyền sở hữu mặc nhiên tồn tại. Theo đó, Điều 453 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Về  các trường hợp áp dụng, theo quy định tại Điều 331 Bộ Luật dân sự 2015 thì biện pháp bảo lưu quyền sở hữu được áp dụng trong hợp đồng mua bán. Ngoài ra, tại Khoản 4 Điều 455 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:“Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”. Do đó, bảo lưu quyền sở hữu cũng được áp dụng trong hợp đồng trao đổi tài sản.
Về hiệu lực đối kháng với người thứ ba, Khoản 3 Điều 331 quy định bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký tài sản.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên, Điều 333 quy định bên mua có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực; phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Về thời điểm chấm dứt biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu, theo quy định tại Điều 334 thì biện pháp này chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp: Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong; Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu; Theo thỏa thuận của các bên.

 

Bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu (ảnh minh họa)

2. Thực tiễn áp dụng quy định về bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp bảo đảm, nhằm hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong giao dịch. Tuy nhiên, trong thực tế quy định về bảo lưu quyền sở hữu vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, chưa thể phát huy được giá trị mà nó hướng đến. Bởi lẽ:
Thứ nhất, quy định bảo lưu quyền sở hữu chỉ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký tài sản. Nghĩa là, sau khi các bên ký kết việc mua bán, thì các bên phải tiến hành đăng ký việc mua bán đó tại cơ quan có thẩm quyền nhưng có kèm theo nội dung bảo lưu quyền sở hữu. Ví dụ: trên sổ đỏ ghi nhận giao dịch mua bán nhưng ghi rõ về việc bảo lưu quyền sở hữu vẫn thuộc về chủ cũ. Quy định này tuy đúng về bản chất bảo lưu quyền sở hữu nhưng trong nhiều trường hợp lại gây khó khăn cho người dân. Vì thông thường, chỉ những tài sản có giá trị lớn thì các bên mới thỏa thuận về việc thanh toán thành nhiều lần, trong đó có thể có cả việc thế chấp chính tài sản đang mua để vay vốn ngân hàng. Việc trên tài sản ghi nhận về bảo lưu quyền sở hữu, nghĩa là quyền sở hữu chưa thuộc về người mua sẽ dẫn đến việc không thế chấp được. Chính vì vậy, việc áp dụng bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp này sẽ không khả thi về khả năng thanh toán tiền trong giao dịch.
Thứ hai, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Phát sinh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bán khi xảy ra một trong hai trường hợp sau: thứ nhất, tài sản bị mất hoặc hư hỏng đến mức không thể khắc phục, sửa chữa (bên mua bồi thường cho bên bán giá trị của tài sản); thứ hai, tài sản bị hư hỏng nhưng có thể sửa chữa được (khi đó bên bán đòi lại tài sản và bên mua phải chịu chi phí sửa chữa).
Về nghĩa vụ của bên bán: theo quy định Điều 332 BLDS năm 2015, bên bán có nghĩa vụ hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng khi bên mua đã trả lại tài sản cho bên bán. Nghĩa vụ này của bên bán không phải thực hiện trong trường hợp bên mua không hoàn trả tài sản cho bên bán hoặc tài sản bị thiệt hại mà số tiền bồi thường bên mua phải chịu lớn hơn hoặc bằng số tiền bên mua đã trả hoặc giá trị hao mòn do sử dụng tài sản lớn hơn hoặc
Tên gọi của Điều luật này là quyền đòi lại tài sản, về nguyên tắc nội dung của điều luật này phải quy định về các quyền liên quan đến quyền đòi lại tài sản. Tuy nhiên, trong nội dung của điều luật này, ngoài việc quy định trên, điều luật còn quy định quyền yêu cầu bồi thường và nghĩa vụ của bên bán trong việc hoàn trả tiền bên mua đã thanh toán cho bên bán. Không thống nhất giữa tên gọi và nội dung của điều luật. Ta có thể sửa tên Điều 332 thành quyền và nghĩa vụ của bên bán là hợp lí.

Trên đây là một số nội dung phân tích của chúng tôi về bảo lưu quyền sở hữu. Trường hợp cần tư vấn chi tiết, cụ thể, Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số điện thoại 0383.001.669 để được hỗ trợ!.