Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là một quan hệ pháp luật được quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Việc mượn tài sản có những đặc điểm khác với những quan hệ pháp luật khác như cho vay tài sản hay cho thuê tài sản. Để có thể thực hiện đúng giao dịch thì chúng ta cần nắm rõ bản chất của loại giao dịch này.

1. Hợp đồng mượn tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 494 Bộ luật dân sự thì "Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được".
Trong hợp đồng mượn tài sản, cần lưu ý các đặc điểm sau:
Thứ nhất, trong hợp đồng mượn tài sản thì mượn tài sản nào tphải trả lại bằng tài sản đó (ví dụ: mượn chiếc xe máy để đi mua đồ thì khi mua đồ xong phải trả lại đúng chiếc xe máy đó mà không phải là trả bằng chiếc xe máy khác). Đồng thời, tài sản cho mượn phải là tài sản không tiêu hao (ví dụ khi muốn lấy của hàng xóm 1 kg gạo về ăn và hứa hôm sau sẽ trả lại 1 kg gạo thì sẽ là quan hệ "vay không lãi" chứ không phải là mượn, bởi gạo mang về được sử dụng, hôm sau 1 kg gạo trả không phải là 1 kg gạo đã lấy hôm trước).
Thứ hai, trong hợp đồng mượn tài sản sẽ không có chuyện phải trả tiền để mượn. Bởi nếu trả tiền thì sẽ chuyển sang một loại quan hệ khác như thuê tài sản hoặc vay tài sản.
Thứ ba, khi thời hạn cho mượn kết thúc hoặc mục đích mượn đã đạt được thì phải trả lại tài sản đã mượn. Và nếu khi sử dụng tài sản đã mượn mà làm hư hỏng thì phải có trách nhiệm sửa chữa lại tài sản đã mượn.
Hợp đồng mượn tài sản
Quan hệ mượn tài sản có phải lập thành hợp đồng? (ảnh minh họa)

2. Vì sao phải lập hợp đồng mượn tài sản?

Thông thường quan hệ mượn và cho mượn tài sản được thực hiện dựa trên mối quan hệ quen biết, thậm chí là thân thiết. Bởi chẳng ai cho người lạ mượn tài sản (không có lãi). Mặt khác, việc cho mượn thường được thỏa thuận miệng mà ít khi thực hiện ký kết hợp đồng bởi đa phần việc mượn diễn ra trong thời gian ngắn hoặc giá trị tài sản không lớn.
Tuy nhiên, khi việc cho mượn phát sinh vấn đề (ví dụ cho mượn nhưng không trả, hoặc cho mượn sau đó người mượn làm hỏng và không chịu sửa chữa lại tài sản đã mượn...) thì các bên không có cơ sở để giải quyết vấn đề. 
Chính vì vậy, nếu tài sản cho mượn là cái bút hay quyển vở thì có thể thỏa thuận miệng cũng được. Nhưng khi cho mượn tài sản có giá trị hơn thì nên lập thành văn bản. Giá trị tài sản cho mượn là cao hay thấp sẽ do từng người đánh giá (ví dụ: với người này thì cho mượn cái điện thoại có thể là rất có giá trị, nhưng với người khác thì chỉ là tài sản có giá trị nhỏ).

3. Hợp đồng mượn tài sản thường bao gồm những nội dung gì?

Trong hợp đồng mượn tài sản thường sẽ có những nội dung cơ bản sau:

  • Đối tượng của hợp đồng (mô tả chi tiết về tài sản mượn)
  • Mục đích mượn
  • Thời gian mượn
  • Bàn giao tài sản mượn
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên
  • Giải quyết tranh chấp hợp đồng
Trên đây là một số tư vấn của chúng tôi về Hợp đồng mượn tài sản. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0383.001.669 để được hỗ trợ!