1. Mua bán doanh nghiệp
1.1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Trong quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 chỉ có quy định về việc bán doanh nghiệp tư nhân, những pháp nhân như công ty TNHH, công ty cổ phần không có quy định về việc bán. Như vậy, phải có sự khác biệt thế nào giữa doanh nghiệp tư nhân và các pháp nhân khác.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tư đăng ký. Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định mọi việc lớn, nhỏ trong doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên doanh nghiệp tư nhân có những bất lợi như: do một cá nhân làm chủ, không được phát hành chứng khoán, không được góp vốn vào công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn … Như vậy, mô hình doanh nghiệp tư nhân thường là nhỏ nên pháp luật có quy định cho việc bán doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô và vốn rất lớn.
1.2. Mua bán doanh nghiệp tư nhân
Bán doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 192 Luật doanh nghiệp năm 2020 cụ thể như sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
- Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
- Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật doanh nghiệp.
1.3. Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Thành phần hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân gồm có:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán và người mua;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua doanh nghiệp tư nhân;
- Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân;
Biểu mẫu áp dụng theo Phụ lục II-3 THÔNG BÁO THAY ĐỔI CHỦ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN (Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
(Hình ảnh minh họa)
2. Mua bán công ty
Đối với công ty TNHH và công ty cổ phần, Luật doanh nghiệp 2020 không có quy định về việc mua, bán pháp nhân. Việc mua bán được thực hiện thông qua việc mua lại toàn bộ phần vốn góp hoặc toàn bộ cổ phần của pháp nhân. Việc mua lại toàn bộ phần vốn góp, toàn bộ cổ phần cần lưu ý nhất định đối với từng loại hình công ty.
2.1. Đối với công ty cổ phần
- Đối với cổ phần của cổ đông phổ thông: Được tự do chuyển cổ phần của mình cho người khác.
- Đối với cổ phần của cổ đông sáng lập cần lưu ý:
+ Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập được tự do chuyển cổ phần cho nhau;
+ Nếu chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông
+ Các hạn chế này được bãi bỏ sau 3 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Người nhận chuyển nhượng mới phải là người có quyền thành lập, góp vốn thành lập, mua cổ phần, vốn góp và quản lý doanh nghiệptheo quy định của luật Doanh nghiệp 2020.
2.2. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên
- Việc mua bán công ty TNHH 2 thành viên trở lên là việc bên mua mua lại toàn bộ phần vốn góp của các thành viên công ty. Và tùy vào từng trường hợp mà công ty TNHH 2 thành viên trở lên vẫn giữa nguyên loại hình công ty hoặc thay đổi thành công ty cổ phần hoặc Công ty TNHH 1TV.
- Việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật doanh nghiệp năm 2020.
2.3. Đối với công ty TNHH một thành viên
- Tương tự như đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Việc mua bán công ty TNHH 1 thành viên là việc mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020.
- Tùy vào việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu mà công ty TNHH 1 thành viên giữ nguyên hoặc thay đổi loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.
3. Những lưu ý khi mua bán doanh nghiệp, công ty
- Đối với doanh nghiệp tư nhân: Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
- Đối với các loại hình còn lại, khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần thì cá nhân, pháp nhân nhận chuyển nhượng đã kế thừa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức chuyển nhượng.
- Tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành thủ tục sang nhượng công ty cần phải kiểm tra kĩ hồ sơ thuế nhằm tránh các rủi ro pháp lý sau này khi đã sang nhượng bao gồm:
+ Báo cáo tháng, quý, báo cáo tài chính, quyết toán thuế…;
+ Các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp: Tiền phạt thuế, phí, các khoản nợ thuế…
- Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ các Hợp đồng mà công ty đã, và đang thực hiện. Quyền và nghĩa vụ phải thực hiện theo các Hợp đồng đó. Bởi các nghĩa vụ tài chính luôn tiềm ẩn trong các Hợp đồng đã ký, nếu các bạn không xem xét và kiểm soát thật kỹ càng thì rất dễ phải gánh chịu các nghĩa vụ khi mua lại doanh nghiệp, công ty.
Trên đây là một số phân tích và quan điểm cơ bản của chúng tôi về vấn đề mua bán doanh nghiệp, công ty. Trường hợp cần tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0383.001.669 để được hỗ trợ.
Luật sư Hợp đồng