Vấn đề pháp lý về tài sản vợ chồng theo chế độ thỏa thuận

Như đã nói ở trên, trong quan hệ hôn nhân thì có 3 yếu tố quan trọng nhất: đó là tình cảm vợ chồng, vấn đề con cái và vấn đề về tài sản. Cả ba yếu tố này đều có vai trò quan trọng, mà nếu một trong số đó nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ và chồng thì đều có thể dẫn đến "tan vỡ".
Trước đây, pháp luật nước ta chỉ quy định về chế độ tài sản theo luật định. Chế độ đó bao gồm những quy định "cứng" cửa pháp luật về việc thế nào là tài sản riêng, thế nào là tài sản chung vợ chồng hay quy định về việc định đoạt tài sản chung, riêng thì ra sao? Người dân chỉ có thể tuân thủ đúng những quy định đó mà không thể làm khác đi.
Tuy nhiên, xã hội hiện nay đã thay đổi, nền kinh tế cũng phát triển hơn với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực...và tài sản của vợ, chồng cũng phức tạp hơn trước rất nhiều. Khi đó, quan điểm của người dân cũng khác đi. Chính vì vậy, việc quy định của pháp luật trước đây phần nào đó đã không còn phù hợp với xu hướng này nên thay đổi là tất yếu.
Hòa nhập vào xu hướng chung trên thế giới, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có quy định về việc ngoài chế độ tài sản theo luật định thì vợ chồng đã có thể thỏa thuận về vấn đề tài sản sau khi kết hôn. Quy định này chính là sự cởi mở hơn, tự do hơn, mang tới nhiều lựa chọn hơn cho vợ chồng về vấn đề tài sản khi quyết định kết hôn.

1. Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là gì?

Nếu như ở chế độ tài sản theo luật định, pháp luật đưa ra những quy định cụ thể về vấn đề tài sản chung, tài sản riêng, cách định đoạt tài sản vợ chồng.... thì chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được hiểu là những thỏa thuận riêng của vợ chồng về vấn đề tài sản sau khi kết hôn. Những thỏa thuận này giống như những nội quy mà vợ, chồng tự đưa ra mà khi đã đồng ý thỏa thuận thì hai vợ chồng đều có trách nhiệm tuân thủ thực hiện. Tất nhiên, những thỏa thuận đó không được trái pháp luật đồng thời thỏa thuận đó chỉ có tác dụng đối với hai vợ chồng mà không áp dụng đối với các cặp vợ chồng khác.
Chế độ tài sản theo thỏa thuận được pháp luật ghi nhận cụ thể tại điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: "  Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận"
Ngoài ra cần phải lưu ý, tại Điều 7 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định: "Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình".
Như vậy, chúng ta có thể hiểu ngắn gọn chế độ tài sản theo thỏa thuận là những "nội quy về tài sản" mà vợ chồng đưa ra để cả hai cùng áp dụng sau khi kết hôn. Những thỏa thuận đó không được vi phạm pháp luật. Trong trường hợp hai vợ chồng không có thỏa thuận về chế độ tài sản hoặc có thỏa thuận nhưng thỏa thuận đó vô hiệu thì khi đó mới áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận
Tài sản vợ chồng trong hôn nhân

2. Điều kiện áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: " Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn".
Như vậy, có thể hiểu pháp luật yêu cầu việc thỏa thuận áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:

  • Thứ nhất, thỏa thuận phải lập trước khi kết hôn

  • Thứ hai, phải lập văn bản có công chứng hoặc chứng thực

Trường hợp hai người đã lập văn bản công chứng về áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận nhưng không kết hôn thì chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ không có hiệu lực thi hành. 
Trong thực tiễn hiện nay, có nhiều trường hợp dựa sau khi đã kết hôn hai vợ chồng mới đến tổ chức hành nghề công chứng và đề nghị chứng nhận văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc thỏa thuận tài sản sắp mua là tài sản riêng. Việc làm này là hoàn toàn sai với quy định nói trên.

3. Nội dung cơ bản của chế độ tài sản theo thỏa thuận

Chế độ tài sản theo thỏa thuận được quy định lần đầu tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có hiệu lực từ 01/01/2015. Tính đến thời điểm hiện nay đã hơn 5 năm nhưng rất nhiều người còn bối rối và không biết văn bản xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ như thế nào.
Do đây là quy định mở, cho phép vợ chồng được tự do hơn trong việc xác lập tài sản vợ chồng nên pháp luật chỉ đưa ra một số nội dung mang tính chất nguyên tắc áp dụng mà không xây dựng thành nội dung mẫu chi tiết. Cụ thể, tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan".

Đồng thời, tại Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hướng dẫn cụ thể:
"1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng".

Với những quy định này, chúng ta có thể xây dựng văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận với những nội dung cơ bản sau:

  • Trong thời kỳ hôn nhân có tài sản chung hay không? 

  • Phương thức xác định tài sản nào là chung, tài sản nào là riêng

  • Cách thức sử dụng, quản lý và định đoạt đối với tài sản

  • Nghĩa vụ đóng góp của từng người để đảm bảo cuộc sống hàng ngày

  • Phân chia, định đoạt tài sản khi ly hôn (nếu có)

  • Thỏa thuận khác

Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý, Trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có một số quy định về tài sản vợ chồng tại các Điều 29, 30, 31 và 32. Những quy định này được áp dụng mà không phụ thuộc vào chế độ tài sản theo luật định hay chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chính vì vậy, những thỏa thuận của vợ chồng về tài sản phải đảm bảo phù hợp với các quy định tại những điều nêu trên. Nếu không, các thỏa thuận của vợ chồng có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu.
Trên đây là một số phân tích cơ bản về vấn đề chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo số điện thoại 0383.001.669 để được hỗ trợ. Trân trọng!