Tài sản vợ chồng - Những vấn đề pháp lý cần biết
Tài sản vợ chồng là một vấn đề quan trọng. Nó quan trọng tới mức được quy định hẳn 1 chế định trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, tài sản vợ chồng được chia thành 2 chế độ: bao gồm chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận và chế độ tài sản vợ chồng theo luật định.
Đối với chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, hiểu một cách đơn giản nhất đó là sự thỏa thuận giữa nam và nữ về các vấn đè liên quan đến tài sản sau khi hai người kết hôn. Nội dung thỏa thuận có thể về việc đâu là tài sản riêng, đâu là tài sản chung, mỗi người đóng góp bao nhiêu để duy trì sinh hoạt thường xuyên trong gia đình... Và cần lưu ý, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, và được lập trước khi hai người kết hôn.
Đối với chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, hiểu một cách đơn giản nhất đó là nếu hai người nam và nữ không có thỏa thuận về chế độ tài sản như vừa nêu, hoặc có thỏa thuận nhưng vẫn có những nội dung chưa thỏa thuận, thì khi đó áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo luật định. Pháp luật sẽ có những quy định cụ thể để áp dụng trong những trường hợp như thế.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích và giải thích về chế độ tài sản vợ chồng theo luật định bởi hiện nay tại Việt Nam, việc hai bên nam nữ thiết lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận vẫn còn rất hạn chế.
Tài sản vợ chồng theo luật định lại được chia thành tài sản chung và tài sản riêng. Tài sản chung là những tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân hoặc được hình thành trước hôn nhân nhưng được nhập vào khối tài sản chung vợ chồng. Còn tài sản riêng của vợ chồng bao gồm những tài sản được hình thành trước hôn nhân, những tài sản được cho riêng hoặc chia riêng trong thời kỳ hôn nhân....
1. Tài sản chung của vợ chồng
1.1. Tài sản chung vợ chồng là gì?
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung".
Như vậy, về mặt nguyên tắc có thể tóm gọn lại: tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chủ yếu bao gồm 3 nhóm tài sản:
- Do vợ chồng lao động sản xuất kinh doanh mà có hoặc thu nhập hợp pháp khác của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Tài sản là hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng (trừ hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản đc chia riêng từ khối tài sản chung)
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung hoặc tài sản khác do vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung (ví dụ nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung).
1.2. Cách xác định tài sản chung vợ chồng
Về nguyên tắc, những tài sản nào của vợ hoặc chồng mà không có cơ sở chứng minh đó là tài sản riêng thì đều được hiểu là tài sản chung của vợ chồng. Khi cần xác định xem một tài sản nào đó là của chung vợ chồng hay của riêng vợ hoặc chồng, thì có thể căn cứ vào các yếu tố sau:
- Thứ nhất, kiểm tra xem tài sản đó hình thành trong khoảng thời gian nào? trước khi vợ chồng kết hôn hay hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Nếu tài sản được hình thành từ trước khi kết hôn và vợ chồng không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của vợ chồng, thì tài sản đó là tài sản riêng. Còn nếu tài sản đó được xác định là hình thành trong thời kỳ hôn nhân, đồng thời không có nguồn gốc tặng cho, nhận thừa kế riêng hoặc được mua bằng khoản tiền riêng thì đó sẽ là tài sản chung.
- Thứ hai, kiểm tra xem nguồn gốc hình thành tài sản (ví dụ tài sản đó có được do đâu? do nhận thừa kế, nhận tặng cho hay do nguồn tiền vợ chồng tích lũy để mua...). Nếu có nguồn gốc tặng cho hoặc thừa kế riêng thì kể cả tài sản đó có được trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn là tài sản riêng.
- Thứ ba, kiểm tra xem vợ chồng đã từng lập văn bản thỏa thuận nào liên quan đến tài sản đó hay chưa (ví dụ văn bản chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân...). Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có nhiều tài sản. Tùy từng thời điểm, tùy trường hợp cụ thể mà vợ chồng muốn xác lập tài sản đó thành tài sản riêng. Khi đó vợ chồng phải lập văn bản thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.
1.3. Tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh
Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản".Trong trường hợp đó thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, nếu vợ chồng muốn sử dụng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để đưa vào làm tài sản kinh doanh thì giữa vợ và chồng phải lập thành văn bản thỏa thuận về việc đó. Văn bản này chính là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho vợ hoặc chồng có quyền "một mình" định đoạt các vấn đề liên quan đến tài sản đó trong hoạt động kinh doanh, mà không cần phải có ý kiến của người còn lại.
2. Tài sản riêng của vợ chồng
2.1. Tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
"Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.".
Như vậy, về nguyên tắc thì tài sản riêng của vợ chồng bao gồm các nhóm sau:
- Tài sản có được trước khi kết hôn
- Tài sản được thừa kế, tặng cho riêng (trước hay trong thời kỳ hôn nhân đều được)
- Tài sản được chia riêng từ khối tài sản chung vợ chồng (bao gồm cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó)
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu và tài sản khác mà luật quy định thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng (ví dụ quyền tài sản gắn liền với nhân thân...)
2.2. Cách xác định tài sản riêng của vợ chồng
Căn cứ theo các nhóm đã nêu trên, để xác định tài sản riêng của vợ chồng thì chúng ta cũng có thể dựa vào các đặc điểm đó. Ví dụ:
- Trường hợp kiểm tra mà tài sản được hình thành trước ngày kết hôn và vợ chồng không có thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung thì đương nhiên tài sản đó không phải tài sản chung của vợ chồng. Thông thường, đối với những tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì trong các văn bản đó đều ghi nhận ngày được sở hữu tài sản. Ngày đó mà trước ngày cấp giấy chứng nhận kết hôn thì nghiễm nhiên đó không phải tài sản chung..
- Trường hợp kiểm tra mà tài sản đó có nguồn gốc tặng cho hoặc thừa kế riêng thì cũng là tài sản riêng. Việc tặng cho hoặc thừa kế thông thường đều được lập thành văn bản; đồng thời trên các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu có thể cũng có ghi nhận về nguồn gốc tặng cho, thừa kế. Các tài liệu đó chính là cơ sở chứng minh tài sản riêng.
- Trường hợp kiểm tra mà vợ chồng có văn bản chia tài sản thì tài sản được chia cũng là tài sản riêng. Đối với việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, cần lưu ý tài sản được chia cần phải liệt kê cụ thể và đầy đủ. Trong một số trường hợp chỉ chia theo nguyên tắc sẽ rất khó để chứng minh tài sản riêng. Đặc biệt lưu ý, hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia riêng cho vợ hoặc chồng thì đều là tài sản riêng.
2.3. Định đoạt tài sản riêng có cần vợ hoặc chồng đồng ý?
Về mặt nguyên tắc, đã là tài sản riêng thì chủ tài sản có quyền tự định đoạt và không cần phải được sự đồng ý của vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống gia đình, trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 lại có một vài quy định đặc biệt cần lưu ý. Đó là:Tại khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: "Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ."
Và tại Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng".
Như vậy, có thể nói đối với tài sản của riêng vợ hoặc chồng thì về lý thuyết người đó vẫn được quyền tự định đoạt, nhưng phải đảm bảo việc định đoạt đó là thuộc trường hợp tài sản không phải nơi ở duy nhất cũng như hoa lợi lợi tức từ tài sản không phải nguồn sống duy nhất của gia đình.