Những vấn đề cần quan tâm về văn bản cam kết tài sản riêng
1. Văn bản cam kết tài sản riêng là gì?
Văn bản cam kết tài sản riêng là một dạng văn bản được sử dụng rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Nội dung cơ bản của loại văn bản này “nôm na” là nói về việc vợ chồng khẳng định về một hay một số tài sản nào đó là của riêng vợ hoặc của riêng chồng, và người còn lại không có liên quan đến tài sản đó. Hay nói cách khác, văn bản cam kết tài sản riêng hiện nay đang được sử dụng với ý nghĩa nhằm xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ, chồng.
2. Văn bản cam kết tài sản riêng được lập trong những trường hợp nào?
2.1. Trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chỉ ghi tên một người và chưa có cơ sở chứng minh đó là tài sản riêng của người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
2.2. Trường hợp vì một lí do nào đó (ví dụ để thuận tiện) mà vợ, chồng muốn chỉ cần một người có toàn quyền quyết định các giao dịch đối với tài sản
2.3. Trường hợp trước khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, vợ chồng muốn tài sản đó là của riêng một người.
3. Nội dung của văn bản cam kết tài sản riêng
Các văn bản cam kết tài sản riêng hiện nay thường có những nội dung chính như sau:
3.1. Khẳng định rằng tài sản được hình thành là tài sản riêng của một người do mua bằng tiền riêng;
3.2. Khẳng định tài sản không có liên quan gì đến người còn lại;
3.3. Khẳng định người sở hữu, hoặc sẽ sở hữu bất động sản có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt với bất động sản đó;
3.4. Việc lập văn bản này không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ.
4. Quy định cơ bản của pháp luật về tài sản vợ chồng
Về mặt pháp luật, liên quan đến tài sản của vợ chồng thì pháp luật cho phép vợ chồng lựa chọn 2 chế độ: đó là chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật định.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bỏ qua chế độ tài sản theo thỏa thuận và mặc định vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo luật định. Trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có 02 quy định cơ bản, quy định đâu là tài sản chung và đâu là tài sản riêng như sau:
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Như vậy, với hai quy định mang tính “bản lề” như thế này, chúng ta phải khẳng định: những tài sản hình thành trước khi kết hôn sẽ là tài sản riêng (trừ khi vợ chồng thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung); còn những tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng, hoặc có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng. Nếu không có căn cứ chứng minh tài sản đó là tài sản riêng thì nghiễm nhiên được hiểu là tài sản chung.
Khi muốn chuyển quyền sở hữu từ tài sản chung thành tài sản riêng, vợ chồng phải tiến hành lập văn bản chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tiến hành việc tặng cho tài sản để có cơ sở xác lập tài sản riêng.
5. Những sai lầm khi lập văn bản cam kết tài sản riêng
5.1. Khẳng định rằng tài sản mang ra cam kết là tài sản riêng của vợ hoặc chồng, có được do sử dụng tiền riêng nhưng không có bất cứ căn cứ nào chứng minh. Ví dụ, người chồng khẳng định căn nhà này có được do người vợ có tiền riêng trước khi kết hôn và dùng tiền đó để mua, tuy nhiên không có hồ sơ giấy tờ chứng minh cho số tiền đó là riêng (giả sử như có sổ tiết kiệm với số tiền như đã cam kết mang tên người vợ, và sổ tiết kiệm đó có ngày gửi trước khi vợ chồng kết hôn…). Việc không có cơ sở, không có căn cứ mà vẫn xác lập văn bản này sẽ ảnh hưởng đến quyền định đoạt tài sản sau này. Đặt giả thiết, người chồng đang muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ và cố tình không đứng tên sở hữu tài sản thì sẽ ra sao?
5.2. Quan điểm cho rằng vợ hoặc chồng khẳng định tài sản đó không phải là của mình thì chắc chắn nó là tài sản riêng của người còn lại. Đây cũng là một sai lầm bởi lẽ không ai có quyền khẳng định quyền sở hữu tài sản của người khác. Một người chỉ có thể khẳng định tài sản này không phải của tôi, chứ không có quyền khẳng định một tài sản là của ai khác.
5.3. Không phản ánh đúng bản chất sự việc. Đây cũng là một vấn đề lớn của văn bản cam kết tài sản riêng. Bởi lẽ mục đích thật của vợ, chồng khi lập văn bản này không được phản ánh bởi nội dung của văn bản. Có rất nhiều trường hợp chỉ để thuận tiện trong giao dịch mà vợ chồng thống nhất lập văn bản cam kết tài sản riêng, trong khi họ hoàn toàn biết đó là tài sản chung của vợ chồng; hay có những trường hợp lập văn bản để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ dân sự.
6. Quan điểm về văn bản cam kết tài sản riêng và về việc định đoạt tài sản chung thành tài sản riêng của vợ chồng.
Dựa trên những căn cứ pháp luật hiện nay, chúng tôi có một số ý kiến như sau:
6.1. Phải bám sát quy định về tài sản chung và tài sản riêng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình để xác định một tài sản là của chung vợ chồng hay của riêng một người. Việc xác định chung hay riêng phải có căn cứ chứng minh chứ không thể dựa vào văn bản cam kết của vợ chồng.
6.2. Việc lập văn bản cam kết tài sản riêng không phải là một giao dịch, hợp đồng. Việc người vợ hay người chồng cam kết tài sản này không phải của mình sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự do đó dạng văn bản này chỉ có thể được lập dưới dạng chứng thực chữ ký và không có giá trị chứng minh khi ra tòa (chỉ có giá trị tham khảo).
6.3. Trường hợp muốn chuyển trạng tái tài sản từ tài sản chung vợ chồng thành tài sản riêng thì phải thực hiện dưới dạng văn bản thỏa thuận chia tài sản vợ chồng hoặc hợp đồng tặng cho tài sản chứ không sử dụng văn bản cam kết tài sản riêng.
Trên đây là một số phân tích và quan điểm cơ bản của chúng tôi về vấn đề cam kết tài sản riêng của vợ, chồng. Trường hợp cần tư vấn chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0383.001.669 để được hỗ trợ.