Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều trường hợp mua bán xe ô tô mà không làm hợp đồng mua bán để sang tên. Thay vào đó người mua sẽ đề nghị người bán ký cho hợp đồng ủy quyền xe ô tô. Bởi người mua muốn dùng biển số xe đó, không muốn thay đổi hoặc người mua muốn đi một thời gian rồi bán… vô vàn các lý do khác nhau được đưa ra nhưng mục đích cuối cùng là không sang tên để đỡ phải nộp thuế và không phải làm thủ tục sang tên. Trong bài viết này, chúng tôi nêu ra quan điểm của chúng tôi về những hạn chế của Hợp đồng ủy quyền xe ô tô trong trường hợp mua bán xe mà không ký Hợp đồng mua bán.

1. Hợp đồng ủy quyền xe ô tô là gì ?

 Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, Hợp đồng ủy quyền xe ô tô là sự thỏa thuận giữa các bên về thực hiện các công việc có liên quan đến xe ô tô đó.

 Thông thường, Hợp đồng ủy quyền xe ô tô trong trường hợp này sẽ có những nội dung cơ bản sau đây: Được toàn quyền quản lý, sử dụng xe ô tô; Được quyền mua, bán, tặng cho người khác; Được quyền thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng …

 Về thời hạn của hợp đồng ủy quyền xe ô tô do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì thời hạn của Hợp đồng ủy quyền là 01 năm kể từ ngày xác lập. Có 02 cách thỏa thuận về thời hạn của Hợp đồng ủy quyền. Cách thứ nhất là lựa chọn khoảng thời gian, ví dụ 5 năm, 10 năm thậm chí 100 vì không có quy định nào giới hạn việc thỏa thuận này của các bên. Cách thứ hai là lựa chọn “cho đến khi hoàn thành công việc được ủy quyền”, có nghĩa là thời hạn ko giới hạn theo khoảng thời gian mà giới hạn theo công việc. Như thế thì khi bên được ủy quyền bán x echo người khác thì Hợp đồng ủy quyền chấm dứt hiệu lực.

 Hợp đồng ủy quyền xe ô tô còn có thể ủy quyền lại cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của Bên ủy quyền hoặc do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

2. Hợp đồng ủy quyền xe ô tô được thực hiện như thế nào?

 Pháp luật hiện hành không có quy định Hợp đồng ủy quyền xe ô tô phải có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để Hợp đồng ủy quyền xe ô tô có giá trị thực hiện với bên thứ ba (cá nhân, tổ chức khác) thì bạn phải thực hiện công chứng, chứng thực Hợp đồng ủy quyền xe ô tô tại các tổ chức hành nghề công chứng (phòng/văn phòng công chứng) hoặc UBND cấp xã.

 Việc thực hiện công chứng/chứng thực Hợp đồng ủy quyền xe ô tô không bị giới hạn bởi địa giới hành chính do đó bạn có thể thực hiện ở bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào mà bạn thấy thuận tiện. Ví dụ như xe của bạn đăng ký biển kiểm soát Hà Nội nhưng bạn có thể thực hiện công chứng/chứng thực hợp đồng ủy quyền ở Hải Dương, Nghệ An thậm chí ở Sài Gòn nếu điều đó thuận tiện cho bạn.

 Những giấy tờ cần thiết để thực hiện công chứng/chứng thực Hợp đồng ủy quyền xe ô tô gồm: Đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định, CMND, Hộ khẩu của Bên nhận ủy quyền, CMND, Hộ khẩu, giấy tờ về tình trạng hôn nhân của Bên ủy quyền. Trong trường hợp các bên là tổ chức thì phải có đăng ký kinh doanh, CMND/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật.
 

(Hình ảnh minh họa)

3. Mua bán xe ô tô bằng hợp đồng ủy quyền có phải đóng thuế ?

 Hợp đồng ủy quyền xe ô tô là các bên thỏa thuận thực hiện công việc liên quan đến xe ô tô đó. Do đó khi ký kết Hợp đồng ủy quyền xe ô tô thì xe ô tô đó vẫn thuộc sở hữu của người đứng tên trên đăng ký. Bạn không thể dùng Hợp đồng ủy quyền cho bạn để đăng ký sang tên bạn do đó không phải đóng thuế. Bản chất của Hợp đồng ủy quyền xe ô tô là bạn chỉ thực hiện các công việc được chủ xe ủy quyền mà thôi.

 Trong trường hợp bạn dùng hợp đồng ủy quyền để bán, tặng cho xe ô tô đó cho người khác thì các bên phải kê khai, nộp thuế như bình thường. Khác với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng Hợp đồng ủy quyền phải nộp 02 lần thuế thu nhập cá nhân thì sang tên xe ô tô bằng Hợp đồng ủy quyền vẫn nộp thuế như bình thường.

 Mức thu thuế trước bạ của xe ô tô khi sang tên trong trường hợp này là 2% giá trị còn lại của xe sau khi đã trừ khấu hao.

4. Những hạn chế của Hợp đồng ủy quyền xe ô tô

 Với những ưu điểm như giữ được biển xe, không phải đóng thuế, không phải làm thủ tục phiền hà… nên có nhiều người chọn mua bán xe ô tô bằng Hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên Hợp đồng ủy quyền xe ô tô trong trường hợp này còn tồn tại những hạn chế cơ bản mà các bạn cần lưu ý để nắm được như sau:

 Thứ nhất, khi bạn mua bán xe ô tô bằng Hợp đồng ủy quyền thì bản chất xe vẫn thuộc quyền sở hữu của người đứng tên trên đăng ký xe. Nói một cách dễ hiểu là xe ô tô không phải của bạn. Điều này dẫn đến việc bạn khó thực hiện các quyền của chủ sở hữu như để lại di chúc, hoặc việc thế chấp cũng gặp khó khăn vì ko có tổ chức tín dụng nào nhận thế chấp xe thông qua Hợp đồng ủy quyền mà không làm việc với chủ sở hữu có tên trên giấy chứng nhận.

 Thứ hai, theo quy định hiện hành của Bộ luật dân sự năm 2015 thì Bên ủy quyền có thể đơn phường chấm dứt Hợp đồng ủy quyền xe ô tô mà không cần sự đồng ý của bạn. Ngoài ra, trường hợp người ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố chết thì Hợp đồng ủy quyền xe ô tô đã ký đương nhiên chấm dứt hiệu lực. Điều này có nghĩa là khi đó bạn không thể cầm Hợp đồng ủy quyền đi để thực hiện việc mua bán cho người khác. Bạn có thể cho rằng bên ủy quyền chết hoặc đơn phương chấm dứt mà bạn không báo thì không ai biết, bạn cầm đủ giấy tờ bạn vẫn thực hiện như bình thường. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp người ủy quyền chết, người nhà họ không nắm được việc mua bán xe qua ủy quyền nên đã thông báo tới các tổ chức hành nghề công chứng. Do đó khi bạn thực hiện Hợp đồng ủy quyền xe ô tô, nếu tổ chức hành nghề công chứng họ xác minh, hoặc họ có được thông tin về người ủy quyền đã chết họ sẽ không thực hiện công chứng cho bạn.

 Thứ ba, với quy định về xử lý vi phạm giao thông hiện tại thì những vi phạm giao thông của xe ô tô có thể phạt nguội và gửi về cho chủ xe. Điều này gây phiền toái không ít cho chủ xe, mặc dù đã bán. Tất nhiên, với quy định hiện tại thì khi thực hiện đăng kiểm xe đó phải thực hiện nộp phạt. Tuy nhiên, với chủ trương Chính phủ điện tử để áp dụng công nghệ số vào quản lý hành chính thì theo chúng tôi sớm muộn những thông tin của cá nhân sẽ được đồng bộ. Trong trường hợp đó nếu xe vi phạm quy định về an toàn giao thông thì rất có thể người đứng tên trên đăng ký sẽ bị xử phạt.

 Trên đây là quan điểm của chúng tôi về vấn đề 03 hạn chế của Hợp đồng ủy quyền xe ô tô. Nếu các bạn có vướng mắc cần giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn cụ thể. Các bạn có thể tải mẫu hợp đồng TẠI ĐÂY.