Xét về mặt hình thức, thì pháp luật về thừa kế gồm có hai bộ phận là Thừa kế theo di chúc và Thừa kế theo pháp luật. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra quy định pháp luật hiện hành về thừa kế theo di chúc nhằm giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ của mình trong trường hợp thừa kế theo di chúc.

1. Vậy di chúc là gì?

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”. Như vậy di chúc phải do cá nhân có tài sản lập với mục đích là chuyển tài sản của cá nhân mình sau khi chết sang cho người khác (ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng là cá nhân, tổ chức khác). Từ khái niệm di chúc theo quy định nêu trên thì chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề cần phải tìm hiểu và làm rõ: Sự thể hiện ý chí theo hình thức nào? Cá nhân để lại di chúc có điều kiện gì? Liệu ai cũng có thể để lại di chúc? Người được hưởng di chúc cần có điều kiện gì? Ai là người được hưởng di chúc? Nội dung di chúc gồm những gì? Hình thức của di chúc như thế nào? ...

2. Ai là người có quyền lập di chúc?

- Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ những cá nhân sau đây mới được lập di chúc để định đoạt tài sản của mình:

+ Thứ nhất: Người từ đủ 18 tuổi trở lên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

+ Thứ hai: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

- Theo quy định nêu trên thì người dưới 15 tuổi không được lập di chúc. Vậy tại sao người dưới 15 tuổi lại không được lập di chúc?

Căn cứ vào khái niệm di chúc nêu ở trên thì di chúc nó là sự thể hiện ý chí của các nhân, ý chí này là độc lập. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015 thì ý chí của người dưới 15 tuổi phụ thuộc vào ý chí của người đại diện theo pháp luật do đó người dưới 15 tuổi không thể lập di chúc.

(Hình ảnh minh họa)

3. Ai là người được hưởng di sản theo di chúc?

- Theo quy định tại Điều 613, Điều 624, Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân, tổ chức được cho hưởng di sản nêu trong di chúc là người được hưởng, tuy nhiên vẫn cần những điều kiện sau:

+ Cá nhân: Phải là người còn sống vào thời điểm người lập di chúc chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm người lập di chúc chết nhưng đã thành thai trước khi người lập di chúc chết.

+ Không phải là cá nhân: ở đây được hiểu là pháp nhân, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xác hội nghề nghiệp… thì phải tồn tại vào thời điểm người lập di chúc chết.

            - Từ các quy định nêu trên chúng tôi thấy có một số vấn đề mà có thể nhiều người sẽ thắc mắc.

Ví dụ 1: Với khoa học càng tiên tiến, y học càng hiện đại như ngày nay thì chúng ta đã có thể gửi giữ tinh trùng, gửi giữ trứng, tạo được phôi của con người và giữ đông lạnh. Có thể người chồng chết sau đó vài năm người vợ vẫn mang thai bằng tinh trung đông lạnh của người chồng, hoặc phôi đã gửi giữ. Con được sinh ra là con chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành thì người con này không được hưởng thừa kế di sản của cha.

Ví dụ 2: Cuộc sống ngày nay có người không kết hôn, không có con. Họ nuôi thú cưng và sống cùng nhiều năm. Khi chết đi họ muốn để lại tài sản của mình cho thú nuôi của mình nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không được vì nó không phải các nhân hoặc tổ chức.

Vậy những trường hợp như nêu trên cần phải làm thể nào để đảm bảo được ý chí của người lập di chúc?

- Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền lợi cho một số đối tượng nhất định, pháp luật có quy định mặc dù người lập di chúc không cho hưởng di sản hoặc cho hưởng ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, bao gồm:

+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

+ Con thành niên mà không có khả năng lao động.

4. Nội dung của di chúc gồm những gì?

- Trong một bản di chúc, người lập di chúc có thể nêu ra rất nhiều thứ từ hoàn cảnh xuất thân, quá trình phát triển từ nhỏ đến già, truyền thống họ tộc, gia đình, căn dặn những người thân … bên cạnh việc định đoạt tài sản của mình sau khi mình chết. Tuy vậy, dù di chúc có dài hay ngắn cũng cần có những nội dung cơ bản sau đây:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản.

- Pháp luật quy định, người lập di chúc phải ghi rõ thời điểm lập di chúc. Ghi rõ thông tin về người được hưởng di sản, rồi liệt kê di sản. Tuy nhiên, có phải bắt buộc khi nào cũng có thể ghi rõ được người hưởng di sản không? Chúng tôi xin lấy ví dụ về một trường hợp sau đây: Một vị sư A trụ trì ở ngôi chùa nọ. Vị sư A có mua bảo hiểm của công ty B. Vì muốn giành số tiền bảo hiểm mà sau khi vị sư A mất để kiến thiết ngôi chùa. Vị sư A muốn lập di chúc để lại cho người sẽ là trụ trì kế tiếp của ngôi chùa đó. Tuy nhiên vị sư A không thể ghi được họ tên người này vì sau này phải do ban trị sự của giáo hội phật giáo bổ nhiệm mới biết được là ai.

5. Hình thức của di chúc như thế nào?

Quy định của pháp luật hiện hành phân ra làm hai hình thức, đó là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản.

- Di chúc miệng:

+ Trong trường hợp một người bị cái chết đe dọa và không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

+ Người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

+ Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, đây là một giải pháp tình thế cho người bị cái chết đe dọa mà không thể lập được di chúc bằng văn bản nhằm đảm bảo ý chí định đoạt tài sản của mình được thực hiện. Tuy nhiên đây cũng là một kẽ hở pháp lý nếu như những người làm chứng cùng câu kết với nhau nhằm thay đổi ý chí của người lập di chúc miệng.

- Di chúc bằng văn bản:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết và tự ký vào từng trang của bản di chúc.

+ Di chúc có người làm chứng: người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

+ Di chúc có công chứng hoặc chứng thực: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực. Thủ tục công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng. Người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ phải lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Về hình thức di chúc băng văn bản được pháp luật quy định rất chặt chẽ nhằm đảm bảo được tính hợp pháp của di chúc. Người lập di chúc có thể tùy và tình trạng cũng như yêu cầu của mình để có lựa chọn một hình thức phù hợp nhất để lập di chúc.

Tuy nhiên, vẫn có sự thiếu chi tiết, chưa rõ dàng trong quy định dẫn đến việc áp dụng thực hiện cũng dễ bị lúng túng. Đó là quy định người bị hạn chế về thể chất bắt buộc phải lập di chúc bằng văn có công chứng chứng thực. Nhưng pháp luật không quy định thế nào là hạn chế về thể chất. Ví dụ: Một người bị cụt tay, một người bị cụt chân có bị coi là hạn chế về thể chất không? Trong trường hợp này họ vẫn tỉnh táo minh mẫn và hoàn toàn có thể tự lập được di chúc.

Trên đây là trình bày của chúng tôi về những vấn để cơ bản của pháp luật thừa kế theo di chúc. Bên cạnh sự hoàn thiện thì pháp luật về thừa kế theo di chúc vẫn có những hạn chế nhất định. Hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp rõ ràng và cụ thể hơn.