1. Thừa kế theo pháp luật là gì?

Thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự 2015:“thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”. Quy định này được hiểu là di sản thừa kế của người chết để lại sẽ không được chia theo ý muốn của người chết, không chia theo ý muốn của bất kỳ người nào khác có liên quan, mà sẽ được chia theo những quy tắc định sẵn do pháp luật đặt ra như quy định về hàng thừa kế, quy định về điều kiện và trình tự thừa kế...

Ví dụ: ông A sống tại Hà Nội cùng vợ và 2 người con (bố mẹ ông A đã chết). Ông A có tài sản là 100 triệu đồng. Do còn khỏe mạnh nên ông A chưa nghĩ đến việc sẽ để lại số tiền đó cho ai sau khi ông A chết. Tuy nhiên, sau đó ông A bị tai nạn qua đời. Như vậy, di sản ông A để lại là số tiền 100 triệu đồng và ông A không để lại di chúc. Khi đó, di sản thừa kế là số tiền 100 triệu đồng sẽ không được chia theo ý nguyện của ông A, không được chia theo mong muốn cá nhân của vợ hay những người con ông A.

2. Chia di sản thừa kế theo pháp luật khi nào?

Việc chia di sản thừa kế theo pháp luật không chỉ đơn giản là chia di sản khi người chết không để lại di chúc. Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 thì chia di sản thừa kế theo pháp luật bao gồm những trường hợp sau:

2.1 Không có di chúc

Một trong các trường hợp chia di sản thừa kế theo pháp luật đó chính là khi không có di chúc. Đây là trường hợp xảy ra không ít trong cuộc sống. Phần lớn phát sinh trong những trường hợp người chết không có tài sản, có ít tài sản hoặc có nhiều tài sản nhưng sự kiện chết diễn ra bất ngờ, không có khả năng lường trước (như tai nạn, đột tử, chết khi còn trẻ…).
Trong những trường hợp đó, không thể xác định ý nguyện của người chết về việc họ muốn ai được hưởng di sản của mình. Vì vậy, quy định về chia di sản thừa kế theo pháp luật chính là cơ sở pháp lý giúp cho những người còn sống có cách thức, nguyên tắc chung để chia, để định đoạt phần tài sản của người chết để lại, đảm bảo sự khách quan, công bằng.
Ví dụ: trận lũ lụt giữa tháng 10/2020 tại các tỉnh miền trung Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Chắc chắn trong số đó có không ít người có tài sản như nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ… Trận lũ lụt diễn ra quá nhanh khiến nhiều người chết đột ngột và không kịp để lại di chúc. Vì vậy tài sản họ để lại sau này sẽ được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế.

 

Chia di sản thừa kế theo pháp luật

2.2 Di chúc không hợp pháp

Di chúc không hợp pháp cũng là một trường hợp mà sẽ chia di sản thừa kế theo pháp luật. Di chúc hợp pháp được quy định cụ thể tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể: 
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, để di chúc được coi là hợp pháp thì phải đáp ứng nhiều yếu tố như người lập di chúc phải minh mẫn, không bị lừa dối ép buộc, tối thiểu phải từ đủ 15 tuổi trở lên… Hay hiểu một cách đơn giản, những di chúc nào không đáp ứng được các yếu tố đã nêu tại Điều 630 Bộ luật dân sự thì là di chúc không hợp pháp.
Thực tế xã hội đã chứng minh, có rất nhiều trường hợp người dân đã lập di chúc nhưng đến khi chết đi, những người thừa kế không sử dụng được bản di chúc đó để phân chia di sản thừa kế. Nguyên nhân bởi văn bản di chúc đó lập không đúng quy định của pháp luật và bị cơ quan có thẩm quyền từ chối tiếp nhận khi phân chia di sản.
Ví dụ: người lập di chúc lập di chúc miệng khi đang bị cái chết đe dọa mà không mời được hai người làm chứng; di chúc được lập khi người lập di chúc chưa đủ 15 tuổi; hay tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc không tỉnh táo, minh mẫn do bị bệnh…Trong tất cả những trường hợp đó, việc chia di sản thừa kế đều được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2.3 Người /tổ chức được hưởng di sản thừa kế đã chết hoặc không tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

Trường hợp tiếp theo phải chia di sản thừa kế theo pháp luật chính là trường hợp người hưởng di sản theo di chúc đã chết tại thời điểm mở thừa kế (hoặctổ chức hưởng di sản theo di chúc không tồn tại ở thời điểm mở thừa kế).
Nếu như việc tặng cho tài sản, ngay sau khi làm thủ tục tặng cho theo quy định là người nhận tặng cho sẽ được sở hữu ngay tài sản tặng cho thì đối với việc lập di chúc, việc nhận quyền sở hữu tài sản phải đợi đến khi người lập di chúc chết đi mới được thực hiện.
Thời gian này có thể chỉ là vài ngày nhưng cũng có thể là vài năm, thậm chí là vài chục năm. Trong khoảng thời gian đó, không ai có thể đảm bảo người được thừa kế theo di chúc có còn sống hay đã chết. Vì vậy, quy định về chia di sản thừa kế theo pháp luật trong trường hợp này sẽ giải quyết được vấn đề đó.
Ví dụ: ông Nguyễn Văn A có vợ là bà Trần Thị B và hai người con trai là Nguyễn Văn C và Nguyễn Văn D. Khi còn sống, ông A lập di chúc để lại tài sản là căn hộ chung cư cho con trai là Nguyễn Văn C. Tuy nhiên, trên một chuyến xe cả ông A và Nguyễn Văn C đều bị tai nạn chết. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn C là người được thừa hưởng di sản thừa kế theo di chúc đã chết tại thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, không còn ai để hưởng di sản theo di chúc nữa và căn hộ chung cư của ông A được chia theo pháp luật cho những người thừa kế còn lại.

2.4 Người hưởng di sản theo di chúc từ chối hoặc không được quyền hưởng di sản

Chia di sản thừa kế theo pháp luật cũng bao gồm cả trường hợp có di chúc nhưng người hưởng di sản từ chối nhận di sản hoặc trường hợp có di chúc nhưng người được chỉ định hưởng di sản theo di chúc lại thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản.
Điều 620 và 621 Bộ luật dân sự có quy định về việc từ chối hưởng di sản thừa kế cũng như quy định về người không được quyền hưởng di sản. Cụ thể, nếu người được hưởng di sản không muốn nhận di sản thừa kế của người chết thì có thể từ chối (việc từ chối phải thực hiện đúng quy định mới được công nhận) hoặc nếu một người có hành vi vi phạm các quy định tại điều 621 (như đánh đập, ngược đãi người để lại di sản mà bị kết án…) thì dù có được người để lại di sản cho hưởng theo di chúc vẫn không được quyền hưởng. Di sản theo di chúc khi đó sẽ được chia theo pháp luật.
Đối với quy định này có một vấn đề cần phải lưu ý. Tại khoản 2 Điều 621 Bộ luật dân sự có quy định: “Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc”. Do vậy, việc chia di sản theo pháp luật khi người hưởng di sản theo di chúc là đối tượng không được quyền hưởng di sản phải được hiểu là không áp dụng quy định khoản 2 Điều 621 nói trên.

Từ chối di sản thừa ke

2.5 Phần di sản không được định đoạt trong di chúc

Đây cũng là một trường hợp chia di sản thừa kế theo pháp luật. Giả sử một người trước khi chết đi có để lại di chúc, trong đó đã thể hiện ý chí về việc sẽ định đoạt nhiều tài sản như nhà cửa, đất đai, ô tô, sổ tiết kiệm.
Tuy nhiên, sau khi người đó chết rồi những người thừa kế phát hiện ra còn những tài sản khác như cổ phần doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ…và những tài sản này chưa được liệt kê vào di chúc.
Khi đó, những tài sản đã được người có tài sản định đoạt trong di chúc thì sẽ được phân chia theo di chúc, còn những tài sản chưa được ghi nhận trong di chúc thì phân chia theo pháp luật.

2.6 Phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực

Bộ luật dân sự quy định, việc chia di sản thừa kế theo pháp luật còn áp dụng cả đối với trường hợp phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực.
Cụ thể, tại  Điều 643 Bộ luật dân sự có quy định di chúc không có hiệu lực một phần trong trường hợp: có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hoặc một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ví dụ: ông Nguyễn Văn A có vợ là bà Trần Thị B và 03 người con là Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn D và Nguyễn Văn E. Giửa sử ông A lập di chúc để lại tài sản cho vợ là bà B và con trai trưởng là Nguyễn Văn C. Nhưng sau đó ông A và C cùng bị tai nạn và chết cùng 1 thời điểm. Căn cứ theo quy định trên, bà B vẫn được hưởng di sản theo di chúc. Còn phần di sản ông A để lại cho C thì sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác.
Như vậy, trong trường hợp này có thể thấy, đối với phần di sản liên quan đến phần di chúc có hiệu lực thì di sản thừa kế sẽ chia theo di chúc. Còn phần di sản liên quan đến nội dung di chúc không có hiệu lực thì sẽ chia theo pháp luật.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác liên quan, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0383.001.669 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Tải các mẫu văn bản thừa kế TẠI ĐÂY