Quy định pháp luật về di chúc

Trong cuộc sống, ngoài việc củng cố, thắt chặt tình cảm, duy trì các mối quan hệ thì việc lao động, tích lũy của cải, tài sản để duy trì, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là việc không thể thiếu. Do vậy -  như một sự tất yếu, khi người đó mất đi thì những tài sản họ để lại cần phải được chuyển sang cho người khác bằng những quy định, hình thức khác nhau. Ở nước ta hiện nay, pháp luật cho phép người có tài sản (khi còn sống) được lập di chúc để định đoạt tài sản của họ sau khi họ chết đi. Vậy pháp luật nước ta quy định thế nào về di chúc?

1. Di chúc là gì ?

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Một người khi còn sống, nếu có ý muốn để lại tài sản của mình cho một ai đó để người này được sở hữu tài sản sau khi mình chết đi thì có quyền lập di chúc để thể hiện nội dung đó. Khi phân tích quy định này, chungThoạt nghe thì khá đơn giản, tuy nhiên, ẩn bên trong đó là một loạt các quy định cần phải được áp dụng chính xác. Ví dụ, trong quy định nói trên chúng ta có thể thấy rằng:
  • “Ý chí của cá nhân” của người lập di chúc phải là sự thể hiện suy nghĩ, mong muốn của một người (từ đủ 15 tuổi trở lệ) ra bên ngoài thông qua hình thức bằng văn bản hoặc lời nói, trong trạng thái tinh thần của họ hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép. Nếu một người lập di chúc khi người đó chưa đủ 15 tuổi hoặc đang bị ai đó gây sức ép, hoặc tuyên bố di chúc miệng trong thời điểm cận kề cái chết và không còn đủ minh mẫn thì di chúc đó cũng không được công nhận là di chúc hợp pháp.
  • “tài sản của mình” phải được hiểu là những tài sản nào? Một mảnh đất vừa lấn chiếm hay một kilogam ma túy có được coi là “tài sản của mình” để đưa vào nội dung di chúc hay không? Bộ luật dân sự có quy định rõ tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản (nhà cửa, đất đai, căn hộ...), động sản (xe máy, ô tô ...) hiện có hoặc hình thành trong tương lai. Những văn bản luật chuyên ngành cũng quy định cụ thể về việc đăng ký quyền sở hữu hợp pháp đối với từng loại tài sản. Do vậy, “tài sản của mình” phải được hiểu là tài sản nằm trong số những loại tài sản vừa nêu trên đây đồng thời được pháp luật công nhận là tài sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp.
  • “chuyển tài sản sang cho người khác” cần phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả cá nhân và không phải là cá nhân (pháp nhân, ). Nếu là cá nhân thì phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế; nếu không phải là cá nhân thì phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp tại thời điểm lập di chúc thì người được hưởng di sản còn sống. Tuy nhiên, khi người có tài sản qua đời thì người được hưởng di sản cũng đã chết trước đó nên không được hưởng di sản.
Ngoài ra, còn có rất nhiều những vấn đề pháp lý có liên quan đến di chúc và định đoạt tài sản theo di chúc mà để giải quyết được những vấn đề đó đòi hỏi người lập di chúc cần phải có những hiểu biết nhất định.

2. Hình thức của di chúc?

Theo quy định tại Điều 627 Bộ luật dân sự thì “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”. Trong các hình thức lập di chúc này, về nguyên tắc thì di chúc miệng ít được sử dụng hơn, chỉ dùng trong trường hợp cấp bách khi tính mạng của người lập di chúc bị cái chết đe dọa (ví dụ: lúc đang hấp hối…), còn lại thì đều phải lập di chúc dưới hình thức bằng văn bản (bao gồm di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; có người làm chứng; có công chứng hoặc có chứng thực). Trong đó, mỗi hình thức lập di chúc lại được pháp luật quy định chi tiết nhằm mục đích đảm bảo di chúc thể hiện được chính xác ý chí của người lập. Cụ thể:
Di chúc - Top 5 vấn đề không thể bỏ qua
Ảnh minh họa

Di chúc miệng

Như đã nói ở trên, di chúc miệng chỉ được sử dụng trong trường hợp tính mạng của người lập di chúc bị đe dọa bởi cái chết. Đồng thời di chúc phải được lập dưới sự chứng kiến của ít nhất hai người làm chứng (người làm chứng không được là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; không được có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; không phải người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi). Ngay sau khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ; và trong thời hạn 05 ngày làm việc sau đó phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký/điểm chỉ. Đặc biệt, bộ luật dân sự có quy định rất rõ, trong thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng, mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ dù trước đó đã được thực hiện đầy đủ, chính xác theo quy định  về lập di chúc miệng.

Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:

Loại hình di chúc này chỉ được áp dụng và pháp luật công nhận khi người lập di chúc tự thể hiện nội dung của di chúc bằng cách tự viết trực tiếp ra văn bản. Loại hình di chúc này có ưu điểm là người lập di chúc có thể hoàn toàn chủ động, lập bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu đồng thời bảo mật tuyệt đối nội dung của di chúc. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình lập di chúc này là tính hợp pháp của di chúc có thể không được đảm bảo, dẫn đến việc di chúc không sử dụng được sau này nếu như người lập di chúc (do hiểu biết về pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ) có thể không xây dựng được một bản di chúc đảm bảo hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

Bộ luật dân sự thì quy định khi một người muốn lập di chúc nhưng không thể tự viết thành văn bản thì có thể đánh máy hoặc nhờ người khác viết lại hoặc đánh máy lại đồng thời mời 02 người làm chứng cho việc lập di chúc. Tuy nhiên, trong bộ luật dân sự cũng không cấm việc một người tự viết di chúc và mời người làm chứng. Vì vậy, nếu như di chúc bằng văn bản không có người làm chứng yêu cầu người lập di chúc phải tự tay viết bản di chúc thì đối với di chúc bằng văn bản có người làm chứng, người lập di chúc hay ai khác tự viết bằng tay hay đánh máy đều được chấp nhận. Ngoài ra, lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng sẽ khắc phục được một số hạn chế của hình thức lập di chúc không có người làm chứng nói trên, ví dụ như người làm chứng có thể làm chứng được việc tại thời điểm lập di chúc thì người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị đe dọa, ép buộc… cũng như người làm chứng có thể tư vấn thêm cho người lập di chúc nếu như di chúc đó có vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình lập di chúc này là việc người lập di chúc phải chọn được 02 người làm chứng. Việc chọn người làm chứng nếu không tốt sẽ vi phạm quy định về người làm chứng dẫn đến di chúc vô hiệu, hoặc trong trường hợp sau này khi khai nhận di sản thừa kế theo di chúc mà người làm chứng đã chết hoặc vì lí do nào đó không thể phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc khai nhận di sản thì việc lập di chúc cũng không mang lại giá trị như mong muốn của người lập di chúc.

Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực:

So với việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng, thì việc lập di chúc có công chứng hoặc chứng thực có ưu điểm là sẽ khắc phục được hạn chế như đã nêu trên đây bởi lẽ các tổ chức hành nghề công chứng cũng như các cơ quan có thẩm quyền chứng thực đều hoạt động chuyên nghiệp dựa trên những quy định rõ ràng của pháp luật. Trong trường hợp khai nhận di sản thừa kế theo di chúc mà cần có sự phối hợp của cơ quan công chứng hoặc chứng thực thì sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều so với việc mời người làm chứng. Tuy nhiên, nếu như chứng thực di chúc được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực chỉ xác nhận chữ ký trong di chúc đúng là chữ ký của người lập di chúc (không chứng nhận nội dung của di chúc) thì di chúc được công chứng là việc công chứng viên vừa công nhận chữ ký của người lập di chúc vừa chứng nhận cả tính hợp pháp của nội dung được ghi nhận trong văn bản. Về nhược điểm, công chứng viên cũng như tổ chức có thẩm quyền chứng thực thông thường đều rất bận hoặc không có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp về thừa kế dẫn đến không thể tư vấn một cách tỉ mỉ và hiệu quả cho từng công dân khi họ muốn lập di chúc.

3. Nội dung của di chúc

Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự, việc lập di chúc bằng văn bản cần phải thể hiện được những nội dung cơ bản như sau: ngày tháng năm lập di chúc; họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài ra, người lập di chúc có thể bổ sung thêm những nội dung khác không vi phạm quy định của pháp luật. Quy định cơ bản thì như vậy, và những nội dung vừa liệt kê đều là những nội dung đơn giản, không có gì cần phân tích sâu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, những mong muốn của người lập di chúc (nội dung của di chúc) thường bao gồm những nội dung phức tạp hơn rất nhiều và thông thường, người lập di chúc không thể hiện được đúng hoặc đầy đủ những mong muốn đó ra văn bản bởi sự hiểu biết về pháp luật của người lập di chúc còn hạn chế. “Ví dụ: có những trường hợp để lại di chúc với nội dung sau khi chết đi sẽ để lại toàn bộ tài sản là ngôi nhà cho con để con được toàn quyền sở hữu định đoạt nhưng người con đó phải có trách nhiệm giữ gìn và không được bán nhằm giữ ngôi nhà làm nơi thờ cúng tổ tiên”. Nội dung này tuy là ý chí của người lập di chúc nhưng sẽ gây khó khăn cho người thừa kế bởi lẽ nội dung trong di chúc có sự mâu thuẫn khi vừa cho phép người thừa kế được toàn quyền sở hữu, định đoạt (bao gồm cả quyền được bán) nhưng lại vừa yêu cầu không được phép bán mà để làm nơi thờ cúng. Ngoài ra, trong quá trình tư vấn, chúng tôi thấy rằng người dân thường không hiểu đúng một số quy định liên quan đến việc di tặng, gửi giữ di chúc, công bố di chúc…dẫn đến việc thể hiện nội dung trong di chúc không đúng.
Do vậy, thiết kế một bản di chúc làm sao để vừa đảm bảo đúng với ý chí của người lập di chúc nhưng vẫn phù hợp với quy định của pháp luật là một điều không hề đơn giản, đòi hỏi người lập di chúc phải có hiểu biết rộng về pháp luật bao gồm cả lý luận và thực tiễn.
Di chúc
Di chúc hợp pháp (ảnh minh họa)

4. Thủ tục lập di chúc

Như đã phân tích ở trên, việc lập di chúc được thực hiện dưới 05 hình thức, bao gồm: di chúc miệng, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng và di chúc bằng văn bản có chứng thực. Tùy thuộc vào việc lựa chọn hình thức nào thì tương ứng với đó sẽ có cách thức, thủ tục riêng. Ví dụ:

Di chúc miệng:

Người lập di chúc (phải trong trạng thái bị đe dọa tính mạng bởi cái chết) cần phải tự mời hoặc nhờ người nào đó mời được 02 người làm chứng (người làm chứng phải đáp ứng được quy định của pháp luật về người làm chứng) cho việc lập di chúc. Sau đó người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc để người làm chứng chép lại thành văn bản đồng thời người làm chứng phải ký, điểm chỉ vào văn bản vừa chép lại. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải làm thủ tục xác nhận chữ ký tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký.

Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:

Người lập di chúc phải tự viết bằng tay ra giấy nội dung di chúc mình mong muốn (nội dung di chúc ít nhất cũng phải bao gồm những nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật). Sau khi lập xong và thấy nội dung di chúc đã đúng với mong muốn và phù hợp với quy định của pháp luật thì người lập di chúc ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc.

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

Người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc mình mong muốn với người làm chứng (nội dung di chúc ít nhất cũng phải bao gồm những nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật). Sau khi lập xong và thấy nội dung di chúc đã đúng với mong muốn và phù hợp với quy định của pháp luật thì người lập di chúc ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc, người làm chứng cũng phải ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc đó.

Di chúc bằng văn bản có chứng thực:

Người lập di chúc xuất trình cho tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký các giấy tờ bao gồm: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn giá trị sử dụng và bản di chúc mà người lập di chúc sẽ ký. Trong trường hợp người lập di chúc chưa có sẵn bản di chúc dự định ký thì có thể đề nghị tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc tuyên bố. Sau đó người lập di chúc ký tên, điểm chỉ trước mặt người có thẩm quyền chứng thực chữ ký.

Di chúc bằng văn bản có công chứng:

Khác với di chúc bằng văn bản có chứng thực, việc công chứng di chúc ngoài quy định tại bộ luật dân sự, thì còn quy định cụ thể tại luật công chứng. Do vậy, khi muốn lập di chúc bằng văn bản có công chứng, người lập di chúc phải cung cấp các giấy tờ theo quy định của luật công chứng, bao gồm: phiếu yêu cầu công chứng (mẫu có sẵn của tổ chức hành nghề công chứng); dự thảo di chúc mà người lập di chúc dự kiến lập; giấy tờ tùy thân của người lập di chúc, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu tài sản (nếu tài sản đó thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu) và các giấy tờ khác tùy trường hợp cụ thể. Trường hợp chưa có dự thảo di chúc thì người lập di chúc có thể đề nghị công chứng viên ghi chép lại nội dung di chúc. Sau đó người lập di chúc sẽ ký, điểm chỉ vào di chúc trước mặt công chứng viên.

5. Hiệu lực của di chúc

Theo quy định tại Điều 643 Bộ luật dân sự thì “Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế”; còn tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự có quy định “thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết…”. Với quy định này, chúng ta có thể hiểu tổng quát lại như sau: một người khi còn sống đã lập di chúc và đảm bảo di chúc đó là hoàn toàn hợp pháp (từ độ tuổi, năng lực hành vi, hình thức lập, nội dung của di chúc, tài sản hợp pháp…) thì ngay thời điểm người đó chết đi, di chúc có hiệu lực. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, khi lập di chúc một cách hợp pháp thì mặc nhiên di chúc có hiệu lực khi người đó chết. Bởi lẽ pháp luật có quy định một số trường hợp di chúc không có hiệu lực hoặc chỉ có hiệu lực một phần khi rơi vào một trong các trường hợp sau:

Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.

Đối với trường hợp này, nếu người thừa kế được hưởng toàn bộ di sản thì di chúc đó hoàn toàn không có hiệu lực, còn nếu người thừa kế đó chỉ hưởng 1 phần của di sản, còn những phần di sản khác được để lại cho những người thừa kế khác thì di chúc đó sẽ có hiệu lực đối với phần di sản để cho những người thừa kế khác, còn không có hiệu lực đối với phần di sản để lại cho người thừa kế đã chết. Phần di sản thuộc về phần di chúc không có hiệu lực sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Cũng giống như trường hợp đã phân tích tại mục 5.1 nêu trên, trường hợp cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế được hưởng toàn bộ di sản của người lập di chúc thì di chúc đó sẽ không có hiệu lực toàn bộ. Còn trường hợp cơ quan, tổ chức chỉ được hưởng 1 phần di sản theo nội dung của di chúc thì di chúc đó vẫn có hiệu lực một phần.

Di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế hoặc chỉ còn một phần.

Theo quy định của pháp luật, một người khi còn sống có thể lập di chúc dưới nhiều hình thức khác nhau cũng như lập thành nhiều lần khác nhau. Bản di chúc hợp pháp được lập sau cùng là bản di chúc có hiệu lực. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, di chúc chưa có hiệu lực tại thời điểm lập mà có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết. Trong khoảng thời gian di chúc chưa có hiệu lực, người lập di chúc vẫn được quyền thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản đưa vào lập di chúc (ví dụ như bán, chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn…). Khi đó, tại thời điểm người đó chết thì tài sản được nêu trong di chúc có thể còn nguyên, mất một phần hoặc mất toàn bộ. Trường hợp mất toàn bộ thì di chúc đó không có hiệu lực, còn nếu mất một phần thì di chúc vẫn có hiệu lực đối với phần tài sản còn lại.
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất cần phải biết khi muốn lập di chúc. Trường hợp cần tư vấn chi tiết, cụ thể hơn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0383.001.669 để được hỗ trợ.