1. Sự kiện bất khả kháng là gì?
Theo quy định tại khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng được định nghĩa như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Qua đó có thể thấy rằng, một sự kiện được xem là bất khả kháng phải hội đủ các yếu tố cơ bản, đó là "Xảy ra khách quan không thể lường trước được": Yếu tố này thường được các bên hiểu là những sự kiện xảy ra nằm ngoài phạm vi kiểm soát của con người như thiên tai, động đất, sóng thần, dịch bệnh, chiến tranh… mà tại thời điểm thực hiện thỏa thuận hoặc trong quá trình thực hiện các bên không lường trước được hậu quả xảy ra và "Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép" - Yếu tố này được hiểu là mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được những hậu quả do sự kiện khách quan không lường trước được gây ra.
Căn cứ theo điều khoản trên thì có thể xác định dịch Covid-19 là “sự kiện bất khả kháng” bởi vì đây là đại dịch mang tính toàn cầu được thế giới công nhận và tuyên bố.

2. Các công ty, cửa hàng gặp khó khăn vì vắng khách có quyền đề nghị chủ nhà giảm tiền cho thuê mặt bằng, nhà ở hay không?
Trong trường hợp này thì người thuê mặt bằng, nhà ở hoàn toàn có quyền đề nghị chủ nhà giảm giá cho thuê mặt bằng và cần trình bày rõ tình hình thực tế cho chủ nhà biết để được xem xét.
Tuy nhiên, việc có được giảm tiền thuê hay không lại là do quá trình thỏa thuận giũa người thuê và chủ nhà, pháp luật không có quy định bắt buộc chủ nhà phải giảm tiền thuê nhà trong trường hợp này.
Nếu như trong hợp đồng thuê mặt bằng, nhà ở có đề cập đến nội dung về các trường hợp được miễn, giảm tiền thuê mặt bằng thì bạn hoàn toàn có thế được miễn giảm tiền thuê mặt bằng, nhà.
3. Nếu chủ nhà không giảm tiền thuê mặt bằng, nhà ở thì người thuê có quyền trả lại mặt bằng vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh hay không?
Đối với trường hợp này thì cần phải căn cứ vào nội dung của hợp đồng thuê mặt bằng, nhà ở quy định như thế nào. Nếu trong hợp đồng không có quy định về trường hợp nào người thuê mặt bằng, nhà ở được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn thì người thuê không thể tự ý trả mặt bằng, nhà ở ngay mà phải thỏa thuận với chủ nhà.
Nếu bên thuê tự ý trả mặt bằng, nhà ở trước hạn sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại cho chủ nhà theo nội dung tại hợp đồng thuê mặt bằng, nhà ở.

Lời khuyên: Khi tiến hành thuê mặt bằng, nhà ở nhằm mục đích kinh doanh, bên thuê và bên cho thuê cần phải ký kết hợp đồng thuê mặt bằng, nhà ở nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Trong hợp đồng cần thỏa thuận rõ các trường hợp được miễn giảm tiền thuê, các trường hợp được phép trả lại mặt bằng và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên nếu như trong hợp đồng không có hoặc giữa các bên không ký hợp đồng thì việc được miễn, giảm hay thậm chí trả lại mặt bằng chỉ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên khi xảy ra tranh chấp.