Từ xưa tới nay đất đai là luôn là nền tảng của sự thành lập đất nước và cũng là nền tảng của nền kinh tế quốc gia và sinh kế của người dân. Tùy vào thể chế chính trị, tùy vào thời kỳ mà chính sách pháp luật về đất đai ở mỗi quốc gia khác nhau là khác nhau.

Ở nước ta, cùng với sự phát triển đất nước, chính sách đất đai cũng có sự thay đổi theo từng thời kỳ nhằm đáp ứng được những yêu cầu tại từng thời điểm lịch sử nhất định. Luật đất đai số 45/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 là văn bản pháp luật đang có hiệu lực quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vấn đề về đất đai rất rộng, trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin trình bày đơn giản, ngắn gọn nhất pháp luật về thừa kế đất đai hiện nay.

1. Quy định của pháp luật về đất đai

Theo Điều 54 Hiến pháp năm 2013 thì Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

Theo Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền sở hữu đất đai thì: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Như vậy pháp luật hiện hành ở nước ta quy định đất đai chỉ thuộc sở hữu của nhân dân nhưng Nhà nước là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền của chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo quy định của pháp luật. Vậy người sử dụng đất được nêu ở đây là những ai?

1.1. Chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất bao gồm:

+ Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;

+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;

+ Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

+ Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Với quy định của pháp luật thì người sử dụng đất bao gồm các đối tượng nêu trên. Bên cạnh đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất được quyền thừa kế quyền sử dụng đất. Nếu chỉ hiểu đến đó thì có nghĩa là bất kể tổ chức, cá nhân sử dụng đất đều được để thừa kế quyền sử dụng đất của mình. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật về thừa kế thì chỉ có cá nhân mới có quyền được để lại thừa kế quyền sử dụng đất của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

1.2. Phân loại đất

Mặc dù đều là đất nhưng pháp luật lại quy định những loại khác nhau. Tùy vào căn cứ khác nhau thì đất được phân ra các loại khác nhau. Pháp luật về đất đai hiện hành căn cứ vào mục đích sử dụng để phân ra đất đai được phân loại như sau:

a) Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

+ Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

+ Đất trồng cây lâu năm;

+ Đất rừng sản xuất;

+ Đất rừng phòng hộ;

+ Đất rừng đặc dụng;

+ Đất nuôi trồng thủy sản;

+ Đất làm muối;

+ Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;

b) Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

+ Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

+ Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

+ Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

+ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

+ Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;

+ Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

+ Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

+ Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

+ Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;

c) Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.

(Hình ảnh minh họa)

2. Pháp luật thừa kế về đất đai hiện nay

Để cho người đọc dễ hình dung pháp luật thừa kế về đất đai chúng tôi đưa ra 2 góc nhìn, thứ nhất là góc nhìn của người để lại thừa kế và thứ hai là góc nhìn của người nhận di sản thừa kế.

2.1. Người để lại di sản thừa kế:

Một người có quyền sử dụng đất muốn định đoạt quyền sử dụng đất của của mình nhưng lại không biết thực hiện thế nào để đảm bảo ý chí nguyện vọng của mình được thực hiện đúng pháp luật. Hiện tại, pháp luật quy định cá nhân có thể để lại thừa kế quyền sử dụng đất bằng cách lập di chúc, nếu không lập di chúc thì quyền sử dụng đất đó được thừa kế theo pháp luật.

2.1.1. Di chúc

Di chúc phải lập thành văn bản và tùy từng trường hợp pháp luật quy định phải có công chứng, chứng thực của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng.

Người lập di chúc bằng văn bản có thể chọn các hình thức sau tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có công chứng.

+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức di chúc không trái quy định của luật. Di chúc phải có nội dung chủ yếu như sau:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản.

Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào. Nếu người để lại di chúc thay thế bằng một di chúc mới thì di chúc cũ bị hủy bỏ.

Người lập di chúc có thể gửi các tổ chức hành nghề công chứng hoặc người khác để lưu giữ di chúc cho mình. Và những người này có trách nhiệm bàn giao lại cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền để công bố di chúc khi người lập di chúc chết.

2.1.2. Để lại di sản theo pháp luật

Trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Hoặc những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì khi đó di sản được chia theo pháp luật.

Những người thừa kế được phân thành 03 hàng thừa kế, những người thừa kế ở cùng một hàng được hưởng phần bằng nhau. Hàng thừa kế sau chỉ được hưởng nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước. Ba hàng thừa kế gồm:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2.2. Người được nhận di sản

Pháp luật quy định cá nhân, tổ chức, cơ quan được nhận di sản theo di chúc. Trường hợp được hưởng theo di chúc thì rất rõ ràng vì khi đó chỉ đối chiếu theo di chúc đã có hiệu lực. Ai được chỉ định cho hưởng di sản trong di chúc chính là người được hưởng. Tuy nhiên, cũng có một trường hợp ngoại lệ nếu bạn là một trong những người được liệt kê sau đây, mặc dù không được cho hưởng di sản theo di chúc hoặc cho hưởng mà ít hơn 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật thì bạn vẫn được hưởng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật, đó là: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người chết hoặc con đã thành niên của người chết mà không có khả năng lao động.

Trường hợp nếu hưởng theo pháp luật thì bạn cần căn cứ vào hàng thừa kế nêu ở trên để xem mình có được hưởng di sản hay không? Bên cạnh đó theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định những trường hợp không được hưởng di sản đó là những người xâm phạm đến quyền nhân thân của người để lại di chúc đã bị kết án vì lỗi cố ý hoặc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc bị kết án vì lỗi cố ý xâm phạm tính mạng của người       thừa kế khác nhằm được hưởng di sản hoặc lừa dối cưỡng ép, che giấu, sửa chữa, hủy bỏ di chúc… nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di chúc.

Bên cạnh đó, pháp luật có quy định một trường hợp đặc biệt trong thừa kế theo pháp luật đó là thừa kế thế vị, cụ thể: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Khi đã xác định được mình là người được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật thì bạn cần thu thập hồ sơ, giấy tờ để làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được hưởng di sản.

- Nếu được hưởng di sản theo di chúc thì giấy tờ thường gồm:

+ Di chúc hợp pháp

+ Giấy chứng tử của người lập di chúc

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hợp đồng mua bán, các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai.

+ CMND, Hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký hoạt động…. của người được hưởng di sản theo di chúc.

+ Ngoài ra còn một số giấy tờ khác tùy theo từng trường hợp cụ thể.

- Nếu được hưởng di sản theo pháp luật thì giấy tờ thường gồm:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hợp đồng mua bán, các giấy tờ khác về quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai…

+ CMND, Hộ khẩu, giấy tờ chứng minh quan hệ, chứng minh hàng thừa kế (giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, đơn xác nhận …).

+ Giấy chứng tử hoặc xác nhận đồng thừa kế đã chết.

+ Ngoài ra còn một số giấy tờ khác tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Quy định pháp luật thừa kế về đất đai đã có sự thay đổi cùng với sự thay đổi của hiến pháp và luật đất đai. Bên cạnh đó các quy định nằm rải rác trong luật đất đai, luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật nuôi con nuôi… dẫn đến việc một người có thể tìm hiểu toàn diện pháp luật thừa kế về đất đai nhằm đảm bảo quyền lợi của mình là tương đối khó khăn. Nếu các bạn gặp khó khăn liên quan đến pháp luật thừa kế về đất đai thì hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ để đảm bảo tối đa quyền lợi của các bạn.

Luật sư Hợp đồng